Nhiều hỗ trợ khi dùng tên miền tiếng Việt
Để hỗ trợ phát triển tên miền tiếng Việt ra cộng đồng, lãnh đạo VNNIC cho biết sẽ có nhiều tiện ích giá trị gia tăng miễn phí kèm theo.
>> Đăng ký tự do tên miền tiếng Việt online từ 28/4
Kể từ ngày 28/4, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã cho phép đăng ký trực tuyến tự do, miễn phí tên miền tiếng Việt có dấu cho các tổ chức, cá nhân. Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC về sự kiện này.
Thưa ông, quá trình triển khai tên miền tiếng Việt ở Việt Nam và mức độ quan tâm của người sử dụng với tên miền bản địa như thế nào?
Năm 2001, Tổng cục Bưu điện đã đồng ý cho phép VNNIC đầu tư nghiên cứu tên miền tiếng Việt (khi mà trên thế giới đã bắt đầu có xu thế triển khai hệ thống tên miền tiếng bản địa) với mong muốn tạo môi trường thuần Việt trên Internet và phục vụ cho những nhóm đối tượng mong muốn được sử dụng tên miền tiếng mẹ đẻ. Trên cơ sở công trình nghiên cứu triển khai tên miền tiếng Việt trên hệ thống DNS quốc gia đạt giải VIFOTEC 2003, từ tháng 4/2004, VNNIC đã tiến hành quá trình cấp thử nghiệm tên miền tiếng Việt để đảm bảo các vấn đề về kỹ thuật cũng như tương thích trên Internet. Mặc dù, trong khoảng thời gian này, các trình duyệt IE còn chưa hỗ trợ tên miền tiếng Việt, người dùng phải tải về công cụ vnclient mới có thể truy vấn đến. Dù khó khăn nhưng giai đoạn thử nghiệm cũng đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người và theo thống kê có khoảng hơn 5000 tên miền được cấp phát. Điều này cho thấy, sự quan tâm của người Việt Nam và nhu cầu, tiềm năng rất lớn của tên miền tiếng Việt trong tương lai.
Sau khi chạy thực tế ổn định, từ tháng 3/2007, tên miền tiếng Việt đã được cấp phát chính thức ra cộng đồng theo phương thức cấp kèm theo với tên miền truyền thống. Các trình duyệt lúc này đều đã hỗ trợ tốt tên miền đa ngữ (trong đó có tiếng Việt). Cũng trong giai đoạn này, tên miền tiếng Việt chỉ được cấp phát dưới dạng tên miền “.vn” cấp 2 thay vì tên miền cấp 3 như trong giai đoạn thử nghiệm.
Trước khi triển khai giai đoạn đăng ký tự do, miễn phí tên miền tiếng Việt, VNNIC đã triển khai giai đoạn ưu tiên đăng ký từ ngày 10/1/2011 đến hết ngày 27/4/2011 cho các đối tượng ưu tiên bao gồm các cơ quan Đảng, Nhà nước, chủ các nhãn hiệu hàng hoá, sở hữu trí tuệ. Việc VNNIC đã nhận được hơn 3000 đơn đăng ký cấp phát địa chỉ tên miền Tiếng Việt dù chỉ có hơn 100 đơn đăng ký đúng đối tượng cũng đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm của cộng đồng đối với tên miền bản địa.
Bắt đầu từ ngày 28/4/2011, tên miền tiếng Việt đã được cấp phát tự do, miễn phí cho cộng đồng. Điều này sẽ góp phần kích thích việc đăng ký và giúp cho người dùng có thêm một sự lựa chọn hiệu quả, hữu ích để phát triển website bên cạnh tên miền truyền thống.
Thưa ông, tại sao lại quyết định triển khai cấp tự do tên miền tiếng Việt thay vì đi kèm với tên miền truyền thống như trước kia?
Việc quyết định cấp phát tự do nhằm mục đích tăng tính quảng bá tên miền tiếng Việt ra cộng đồng và được đối xử ngang hàng với tên miền quốc gia ".vn" truyền thống. Việc cấp phát tên miền tiếng Việt kiểu "bán bia kèm lạc" như trước kia vô tình làm giảm giá trị của tên miền. Ngoài ra, việc cấp phát tự do tên miền tiếng Việt cũng là hành động vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Tên miền tiếng Việt có những lợi thế gì so với tên miền truyền thống, thưa ông?
Tên miền tiếng Việt giúp thể hiện được chính xác, rõ ràng, rõ nghĩa tất cả các ý tưởng, tên loại hình dịch vụ ở trên mạng Internet và rất dễ sử dụng với cộng đồng người Việt. Ngay cả với tên nước ngoài như với mỹ phẩm Lancôme chỉ có thể viết chính xác với tên miền tiếng Việt.
Khi đăng ký dùng tên miền tiếng Việt, ngoài việc được miễn phí và cấp tự do, khách hàng còn được bảo hộ, được bảo đảm quyền khi sử dụng, được hỗ trợ giống như những tên miền quốc gia “.vn” có phí khác…
Ngoài ra, trong giai đoạn từ ngày 28/4, để hỗ trợ việc phát triển tên miền tiếng Việt ra cộng đồng, người dùng có thể sử dụng các tiện ích giá trị gia tăng miễn phí kèm theo như có hệ thống quản trị tên miền và DNS hosting tên miền tiếng Việt miễn phí; hỗ trợ miễn phí Hosting Web Templates hay đưa website của tên miền tiếng Việt lên các công cụ tìm kiếm, các danh bạ doanh nghiệp.
Theo ông, việc sử dụng tên miền tiếng Việt có đi ngược lại với xu thế hội nhập quốc tế hay không?
Có những nhóm đối tượng ngại sử dụng tên miền tiếng Anh hay nhóm khách hàng buộc phải sử dụng tên miền tiếng Việt thì mới rõ nghĩa để người khác hiểu được. Điều này giống như việc chia ra thành các loại đuôi của tên miền truyền thống theo nhóm mục đích sử dụng như “.gov” (dành cho các Cơ quan Đảng, nhà nước), “.edu” (dành cho giáo dục)…
Chính vì thế, việc sử dụng tên miền tiếng Việt không hề đi ngược với xu thể hội nhập quốc tế. Thậm chí, nó còn tăng cường thêm truyền thống giáo dục giá trị văn hoá đối với cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTnews